Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

"Tester không thể thiếu trong quy trình"

“Kiểm định PM là một khâu quan trọng trong toàn bộ chu trình phát triển PM hay hệ thống, do đó nhu cầu về nhân viên kiểm định luôn là một phần không thể thiếu của nhu cầu nhân lực cho mọi dự án PM”, ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc Global CyberSoft (GCS) nhận xét trong buổi trao đổi với phóng viên tạp chí TGVT.
Tạp chí TGVT: Ông đánh giá nhu cầu thị trường về nghề kiểm định PM hiện nay ra sao?

Ông Ngô Vãn Toàn
Ông Ngô Văn Toàn: Kiểm định (testing) là một trong những chặng cơ bản của quy trình phát triển PM hoặc hệ thống, do đó nhân viên kiểm định là một phần không thể thiếu của dự án CNTT, hiện nay và tương lai cũng vậy. Thường khối lượng công việc kiểm định chiếm khoảng từ dưới 10% đến trên 30%, cá biệt 40% hay cao hơn trong tổng khối lượng công việc của một dự án. Tỷ lệ này thay đổi rất nhiều giữa các dự án khác nhau, tùy lĩnh vực (business domain), độ phức tạp và yêu cầu về chất lượng.

Tại GCS, nhu cầu về chuyên viên kiểm định luôn đi kèm với nhu cầu nhân viên cho các dự án, dù dự án của công ty hay của khách hàng. GCS đang có nhu cầu lớn về chuyên viên kiểm định tay nghề cao cho các dự án lớn về viễn thông của một công ty hàng đầu Bắc Mỹ. Dựa trên chiến lược phát triển của công ty, nhu cầu của các dự án mà công ty cần tuyển dụng khác nhau tại từng thời điểm khác nhau.

Một ứng viên Tester cần những kỹ năng và kinh nghiệm gì?
Với kiểm định viên sơ cấp, hoặc sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm về kiểm định và cần phải được huấn luyện thêm, ứng viên chỉ cần có kiến thức nền tảng vững chắc, kiến thức về lĩnh vực cần kiểm định, khả năng tư duy, tính cẩn thận, khả năng Anh văn và một số tố chất phù hợp. Nếu vị trí cần tuyển là kiểm định viên cao cấp, ngoài các yêu cầu như ứng viên cơ bản, nhất thiết ứng viên phải có kinh nghiệm, kỹ năng kiểm định, và các yêu cầu về kỹ năng mềm (softskill) phù hợp.

Tương tự như lập trình viên, ứng viên tester cần phải có kiến thức nền tảng vững chắc về CNTT, tốt nghiệp ĐH CNTT là một lợi thế. Tuy nhiên, nếu ứng viên cho thấy mình thật sự có kiến thức, đam mê và có kinh nghiệm làm CNTT, có khả năng tư duy, kỹ năng mềm tốt, khả năng Anh văn, ham thích nghề kiểm định thì vẫn có thể được tuyển dụng mà không nhất thiết phải tốt nghiệp ĐH. Trung bình một tester được đào tạo cơ bản tại công ty trong 3 tháng trước khi có thể tham gia chính thức vào các dự án.

Việc đào tạo tester tại GCS ra sao, thưa ông?
GCS sử dụng khung kiến thức chuẩn quốc tế ISTQB (International Software Testing Qualification Board - Tổ chức Thẩm Định về Kiểm Thử Phần Mềm Quốc Tế) để thiết kế các khóa huấn luyện cho các tester, bảo đảm cho tester có nền tảng vững chắc tham gia các dự án quốc tế. Chúng tôi luôn khuyến khích, hỗ trợ các kỹ sư kiểm định đạt chứng chỉ ISTQB.

Công ty còn tổ chức các khóa đào tạo đặc biệt cung cấp kiến thức chuyên sâu phục vụ công việc cho một dự án cụ thể nào đó, hay đào tạo ngắn (workshop) thực hành sử dụng các công cụ testing, kỹ năng quản lý dự án, con người... Các khóa này được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế qua các dự án thành công của công ty. Các kỹ sư trưởng bắt buộc phải qua các chương trình này trước khi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý.

Trong một số dự án, nhân viên sẽ được đào tạo và làm việc tại nước ngoài. Nhân viên đó cũng sẽ được đào tạo thêm về văn hóa của nước đối tác để có thể hoà nhập tốt trong môi trường làm việc đa văn hóa. GCS cũng tổ chức đào tạo tiếng Anh và tiếng Nhật cho nhân viên, duy trì các câu lạc bộ ngoại ngữ, các ngày “Nói tiếng Anh”.

Hiện nay GCS sử dụng quy trình kiểm định nào, ông có thể cho biết?
Quy trình kiểm định tại GCS do công ty xây dựng, dựa trên nền tảng các chuẩn mực quốc tế là ISO 9001 và CMMi, đồng thời dựa vào đặc thù của GCS và nhu cầu của các khách hàng trong từng dự án.

Các bước chính của quy trình thường bao gồm: 1) nghiên cứu hệ thống và yêu cầu, 2) lập kế hoạch kiểm định, 3) thiết kế và chuẩn bị dữ liệu kiểm định, 4) thực thi kiểm định, 5) báo cáo kết quả kiểm định, 6) rà soát và cải tiến kiểm định.
Hồ Vy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hãy để lại tin nhắn của bạn nhé. Mình luôn muốn nghe ý kiến của bạn. Cám ơn bạn đã ghé thăm blog nha. See you